Thông tin địa phương



Tín ngưỡng dân gian trong chiếc ghè cổ của các dân tộc thiểu số Kon Tum

Trong những lễ hội của người dân tộc thiểu số, nét đặc trưng và phổ biến đó là luôn hiện hữu hình ảnh của ché rượu cần, còn gọi là rượu ghè (jrăm). Nó không chỉ là loại đồ uống thuần túy trong các cuộc vui mà còn ẩn chứa nhiều tín ngưỡng tâm linh trong mỗi tộc người bản địa, ở đây chúng ta nói đến các loại ghè dùng để ủ rượu mà theo người đồng bào thiểu số Tây Nguyên nói chung và đồng bào 6 dân tộc thiểu số Kon Tum nói riêng nó mang một ý nghĩa quan trọng nhất định.
Trước tiên phải tìm hiểu về nguồn gốc, xuất xứ của những chiếc ghè rượu, ngày nay nếu cần ta có thể dễ dàng mua một chiếc ghè gốm bất cứ ở đâu ngoài thị trường có rất nhiều kích cỡ khác nhau để lựa chọn. Tuy nhiên những chiếc ghè cổ của người dân tộc thiểu số lại là một chuyện khác, nó tiềm ẩn giá trị tinh thần rất riêng biệt trong mỗi cộng đồng dân tộc, họ phải mất hàng chục con trâu để đổi lấy chúng từ những thương buôn vùng Châu thổ Miền Trung và cả Miền Nam từ những thế kỷ trước.
Cách đây hàng trăm năm khi vùng rừng núi Tây Nguyên đang còn hoang sơ, người dân tộc thiểu số đa phần sống bằng nghề săn bắt hái lượm, sinh hoạt bằng những gì sẵn có trong tự nhiên, rượu họ tự chế ra một loại men từ rễ một loại cây dạng dây leo (Rĩ Blô) được đào trong rừng, dùng củ mì để ủ nhưng lại không làm ra được dụng cụ để lưu giữ lâu dài, chỉ đơn giản là những cái nồi đất thô tự nung hoặc bằng ống thân cây lồ ô, việc bảo quản rất khó khăn nhưng lại đựng được quá ít. Tìm hiểu tâm lý và hoàn cảnh đó, những thương buôn miền xuôi người Kinh (cụ thể thời kỳ bấy giờ đa số ghè gốm được vận chuyển từ vùng Châu Ổ, Mỹ Thiện của Quảng Ngãi và gốm Quảng Đức khu vực Phú Yên xưa, một số ít là ghè sành Bình Định, sau này vì đường sá đi lại khó khăn, gốm Miền Trung ít dần, các già làng lại chuyển qua trao đổi với thương buôn vùng Lái Thiêu, Nam Bộ từ phía Nam), họ đã vận chuyển một số đồ gốm lên Tây Nguyên, đem trâu bò về xuôi để cày ruộng, ngược lại người dân bản địa có những dụng cụ hằng mơ ước đựng được mọi thứ, vừa để ủ rượu, đựng thịt rừng vừa là vật sang trọng cúng thần linh (Jang) trong các lễ hội... Qua thời gian những chiếc ghè được cải biến thêm theo yêu cầu đặt hàng của người dùng mà ở đây chủ yếu là các già làng và các tộc trưởng giàu có, từ đó ghè trở thành một thứ vô cùng quý giá đối với người dân Tây Nguyên, nó trở thành một vật linh thiêng trong các lễ hội, là phần thưởng quý giá cho những ai săn được nhiều con thú nhất, người cao quý được uống rượu trong những chiếc ghè đẹp nhất, những gia đình nào lưu trữ được nhiều ghè trong nhà càng thể hiện được sự sung túc, sức mạnh của dòng tộc và là vật níu kéo được thần linh lâu hơn trong nhà mình, bảo vệ mình trải qua được sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Người nghèo có ít trâu bò chỉ đổi được những cái ghè sành thông thường, còn gia đình khá giả lại có những chiếc ghè tráng men đủ màu sắc, có hoa văn cây cỏ, có hình tượng đặc trưng theo ý muốn. Giống như một nghệ nhân thổi hồn vào một tác phẩm nghệ thuật nào đó, cái ghè cũng như vậy, đối với người dân tộc thiểu số nó là biểu tượng của sự mạnh mẽ, nó làm cho con người “say” trong mỗi cuộc vui, làm vơi đi nỗi buồn, bớt đi sự nhọc nhằn trong cuộc sống..., chiếc ghè trở thành một vật quan trọng tột bậc. Khi ai đó đã sở hữu được những vật dụng quan trọng như vậy, những người khá giả từ những làng xa xôi hẻo lánh muốn sở hữu được nó họ lại đem những tài sản quý giá khác tìm cách để đổi lấy, từ đó giá trị của chiếc ghè càng tăng lên gấp bội, bởi vậy có những chiếc ghè người ta có thể đổi ngang từ 50 đến 60 con trâu là điều dễ hiểu.
Khi xã hội làng bản phát triển dần lên, người đồng bào bắt đầu phân loại cho ghè để dùng vào nhiều mục đích khác nhau, họ lựa chọn và đặt tên cho từng chiếc ghè. Những chiếc ghè cúng thần linh là những ghè quý hiếm, thường có hình tượng của con giao long, con hạc đắp nổi hay hình tượng chim muông cây lá trên thân hoặc hình hổ phù ở tai, ghè này người Banar thường gọi là Rănglau, ghè Runh hay ghè Chơ Brông...Người Xơ Đăng gọi là K’reng, K’loang, K’năng hoặc Xoantroeng. Loại ghè này người đồng bào xem như là “thần thánh”, có một truyền thuyết trong cộng đồng người dân tộc thiểu số Kon Tum rằng, trong một lần hỏa hoạn lớn, cả buôn làng đều bị thiêu rụi, riêng chiếc ghè rượu (K’năng) tự chui ra ngoài mà không bị lửa đốt... (ghè loại này đa phần là gốm Lái Thiêu vùng Nam Bộ xưa, chiều cao thường 50-60cm, đường kính bụng khoảng 35-45cm, có nhiều hoa văn đa dạng, lớp men được cải biến sặc sỡ hơn gốm Châu Ổ và gốm Quảng Đức), quan niệm rằng kính dâng lên Giàng những chiếc ghè đặc biệt như vậy, Giàng sẽ phù hộ cho mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa, tránh được thú dữ đến phá làng bản. Ghè rượu uống mừng trong những dịp hội làng thường rất lớn, cao 60-70cm, đường kính bụng thường 50-55cm, riêng ghè uống cho những gia đình mới, các dịp năm mới hay trong làng có sự kiện mới, uống như để tạ ơn thần linh (et Hơ’tok) họ có loại ghè Hơ’tok, một loại ghè quý hiếm rất ít hoa văn và bất cứ ai cũng có thể uống như là để thể hiện lòng biết ơn của mình. Có một chi tiết khá thú vị đó là đa số chiếc ghè dùng để ủ rượu thường được trang trí bằng nhiều chấm bi đắp nổi như những chuỗi hạt kết thành nhiều tầng, tưởng vô tình nhưng thực chất đã được sắp đặt do yêu cầu đặt hàng của người xưa thể hiện một sự đoàn kết trong cộng đồng, mỗi chấm bi tượng trưng cho mỗi cá thể đang quây quần bên nhau, xếp thành nhiều lớp có ý nghĩa tiếp nối, cuộc vui sẽ luôn bất tận... Vào những dịp trai làng săn được những con thú trong rừng trở về, họ quây quần bên bếp lửa và được thưởng thức “cang” rượu trong chiếc ghè có tai đắp hình những con thú rừng như chuột, sóc, ếch hay con kỳ nhông.. rất sống động (ghè Xoan K’nai hay Tơngong K’rê của Xơ Đăng, loại này có nguồn gốc thuộc gốm Quảng Đức và một số là gốm Châu Ổ), theo phong tục ngày trước cho rằng khi được uống được những “cang” rượu trong chiếc ghè này họ sẽ có được sự nhanh nhẹn dẻo dai hơn trong lần kế tiếp. Một loại ghè khác thường được đem theo trong những buổi đi săn thú lớn (ghè Hakeng), kích thước nhỏ gọn, chỉ cao 22cm, để vừa trong một chiếc gùi nhỏ. Ghè này rất đặc biệt ở chỗ chỉ uống tượng trưng khi đã săn được một con thú dữ trong rừng, nó mang đậm nét tâm linh trong suy nghĩ của mỗi thợ săn chuyên nghiệp, theo họ tất cả muôn thú vạn vật đều là của một vị thần cai quản, bắt được thú chính là được thần linh thương xót phù hộ và ban cho, nên phải có lễ để cảm tạ. Có những cặp ghè gọi là “ghè vợ chồng” thường có một đôi, kiểu dáng, hoa văn giống hệt nhau chỉ khác ở kích thước cao thấp, khi để gần, màu sắc bỗng nhiên thay đổi, lúc cưới (bắt) chồng, cô dâu và chú rể sẽ uống với nhau, mỗi người một ghè, thể hiện sự đẹp đôi và như lời nhắn gửi với gia đình là sẵn sàng sánh vai nhau, hạnh phúc bên nhau dù cho có xảy ra bất cứ hoàn cảnh nào đi chăng nữa.. (phong tục của Xê Đăng). Hoặc những cặp ghè có đắp nổi hình con thạch sùng, khi để sát lại nhìn như con vật phía sau đang cắn đuôi con trước trông rất độc đáo,...rượu được ủ bằng ghè này thường uống trong các dịp đính ước, một loại ghè nữa cũng có tai đắp hình con thạch sùng nhưng lại đang ưỡn cong lên. Loài côn trùng này rất gần gũi với mọi gia đình, theo tìm hiểu khi đến mùa giao phối, con cái và con đực gặp nhau thường cong thân lên, tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của giống nòi, uống rượu ở ghè này sẽ có con cháu đầy đàn... Một loại ghè được cho là đặc biệt quý đó là “ghè mẹ bồng con” (Pô kuôn pei tơ của Xê Đăng và Van jơ ron kun pul của dân tộc B’râu), ghè này có dáng thon và nhỏ, màu phổ biến nhất là màu da lươn chất liệu gốm nguyên bản đen bóng không tráng men (xuất xứ từ vùng Chămpa xưa, tuy nhiên sau này được nghệ nhân gốm Quảng Đức tái tạo lại, màu sắc và kiểu dáng có thay đổi chút ít), xung quanh vai ghè có đắp tai để gắn ống hút, trang trí các chấm bi và con thạch sùng đắp nổi, thân ghè có các chi tiết khắc hình rồng và đặc biệt có gắn kèm thêm ghè “con” ở trên miệng cao từ 10-15cm được thông với nhau và cũng có hoa văn như ghè “mẹ”, có nhiều kiểu từ “cõng một con” đến “bốn con”. Những ghè “con” gắn liền như một chiếc cốc riêng biệt, thể hiện sự tôn trọng của gia chủ đối với khách, loại rượu được ủ trong chiếc ghè này thường uống trong những buổi trao đổi hàng hóa và dùng như để “ngoại giao” với những nhân vật tiếng tăm và các thủ lĩnh khác trong vùng.
Trong mỗi chiếc ghè người dân bản địa ngày xưa, họ thường lấy những hình ảnh gần gũi nhất với đời thường là chim muông, cây lá,.. đưa những gì thấy được vào chiếc ghè quý của mình, làm cho chúng thêm đa dạng và phong phú về thể loại. Sau này sở dĩ có sự phân chia các loại ghè như ghè Xơ Đăng, ghè Banar, ghè Je’triêng...vì chúng được sở hữu, đặt tên và dùng vào mục đích riêng giữa các dân tộc bản địa, tuy nhiên họa tiết cổ xưa trên thân ghè thì gần như nhau và luôn ẩn chứa nhiều điều mà đến ngày nay chúng ta vẫn còn phải nghiên cứu.
Trong đời sống hàng ngày của đồng bào dân tộc thiểu số, hầu như gia đình nào cũng làm rượu, những chiếc ghè đều có chủ riêng biệt, nhưng khi uống thì lại không của riêng ai, họ có thể uống bất kỳ lúc nào, già trẻ trai gái đều biết uống rượu cần. Trong một lễ hội truyền thống thông thường, những ghè rượu được phân loại khá cụ thể, ghè dành cho người già (xik kră pơlei) được lựa chọn rất kỹ từ ghè quý hiếm cho đến chất lượng của rượu, những thanh niên (15 tuổi trở lên) được uống một loạt ghè riêng (xik de adruh tơdăm pơlei), ghè này thân cao hơn chứa được nhiều rượu, đường kính bụng ghè nhỏ chỉ khoảng 35-40cm thể hiện sự cường tráng, sức mạnh của tuổi trẻ, sau đó đến ghè dành cho người nhỏ hơn (từ 15 tuổi trở xuống) và con cháu phục vụ trong lễ hội (xik de aioh pơlei), loại này nhỏ, có ghè chỉ cao khoảng 40cm, những chiếc ghè này chủ yếu mang tính chất tượng trưng chứ không uống, nó chứa đựng những ước vọng của gia đình dòng tộc dành cho thế hệ sau của mình... Tất cả những chiếc ghè được dùng để ủ rượu (Jrăm) hay còn được gọi là “ghè nam”, một loại ghè rất quan trọng và đặc biệt nữa (xik bôĩ m’măn tơ nam xa) hay “ghè nữ”, bởi có tên gọi đó vì ghè này hầu như chỉ đặt một chỗ trong góc bếp, người phụ nữ thường dùng để dự trữ thức ăn, thịt rừng hay thịt muối chua có thể để ăn dần trong vài tháng ở gia đình. Kiểu dáng như chiếc chum của người Kinh, có cái khá lớn đường kính bụng lên đến 60cm, cao 80cm nhưng khác cái chum ở chỗ miệng ghè rất nhỏ chỉ rộng 15-20cm đủ đưa một bàn tay vào, rất kín đáo và giúp cho đồ vật bảo quản sẽ lâu hơn, loại ghè này đơn giản về màu sắc, không sặc sỡ, không có tai, không đắp nổi nhiều chấm nhỏ như “ghè nam” (jrăm), hoa văn chỉ đơn thuần là một số vòng tròn quanh thân ghè. Trong tín ngưỡng của một số đồng bào dân tộc thiểu số tại Kon Tum, những người già cho rằng nét vẽ trong loại ghè này tượng trưng cho sợi dây không bao giờ đứt, là sự nối kết gia đình, thể hiện trách nhiệm và thủy chung của người phụ nữ khi đã có chồng.
Trong cộng đồng dân tộc thiểu số tại Kon Tum, khu vực sở hữu nhiều ghè nhất vẫn là dân tộc Banar, Xê Đăng, hay Je’triêng còn các dân tộc Brâu, K’dong, Rơ’mam chiếm rất ít. Một điểm chung giữa các dân tộc nơi đây là khi một người chết đi, họ sẽ được mang theo chiếc ghè của họ sang thế giới bên kia, như một “bảo bối” chống lại sức mạnh của quỷ dữ. Bởi thế nên ta thường thấy trên những nấm mộ của đồng bào dân tộc thường có vật dụng lúc sống của họ, nhưng đã được người sống làm khuyết đi, chẳng hạn như bị đục thủng đáy hoặc sứt miệng.., tượng trưng cho sự mất mát, không lành lặn trong gia đình và có lẽ là cố ý để người sống không dùng được nữa nếu như bị đánh cắp. Cũng vì thế những chiếc ghè cổ ngày càng ít dần theo thời gian, chỉ một số ít tặng lại cho con cháu của mình trước khi mất thì còn được lưu lại, những chiếc ghè này người đồng bào giữ như một vật kỷ niệm tưởng nhớ người đã khuất chứ thường không sử dụng. Việc bảo quản ghè của người dân tộc thiểu số cũng gần giống nhau, chủ yếu để quanh nhà sàn cạnh bếp lửa cho bám khói bếp thật nhiều, một phần là muốn gần gũi hơn với tổ tiên của mình và cũng là giữ được lớp men không bị trầy xước...
Ngày nay các dân tộc thiểu số Kon Tum luôn giữ được nét văn hóa uống rượu cần trong mọi hoạt động của làng, còn số ít tại các làng vùng sâu vẫn còn ủ rượu trong những chiếc ghè quý hiếm của mình và chỉ có khách thật quý mới được uống, họ cũng cho rằng uống rượu trong những chiếc ghè ấy sẽ ngon và mát hơn, họ coi ghè như cuộc sống của họ vậy vì nó là vật chứng lịch sử hàng trăm năm và là sợi dây kết nối với quá khứ của cha ông.

Thế Phiệt


Chiếc Gùi trong cuộc sống người dân tộc thiểu số Kon Tum

Trong những sản phẩm đan lát của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung và dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum nói riêng, gùi (tiếng BaNa gọi là H’ká) là dụng cụ được sử dụng nhiều trong cuộc sống hàng ngày, ngoài việc đựng đồ thuần túy ra nó còn thể hiện được tính thẩm mỹ như một minh chứng cho sự tài năng khéo léo của người làm ra nó.
Từ xa xưa, các buôn làng ở Kon Tum, con người đã được học cách đan lát các dụng cụ để sử dụng trong lao động như một điều tất yếu, công việc đan lát chiếm đa số trong cuộc sống như đan vách và sàn cho nhà rông, đan dụng cụ sẩy lúa, mâm ăn cơm, đan chiếu, dụng cụ tuốt lúa rồi đến những đồ vật sinh hoạt rất nhỏ như giỏ đựng cá, túi đựng ớt....Gùi là vật phổ biến và đặc trưng nhất được đan bằng tre, mây hoặc cây sâm lũ...người đan khéo léo nhất chính là các già làng, những người được cho là biết tất cả. Gùi được chia thành nhiều loại và dùng vào những công việc khác nhau, hoa văn cũng rất đa dạng thể hiện nét độc đáo của mỗi dân tộc bản địa. Trước tiên phải kể đến chiếc gùi đựng vải và thóc gạo, loại gùi này có hình trụ đứng độ cao trung bình từ 60 - 95cm, độ lớn miệng tùy thuộc vào việc sử dụng trong nhà,  đế gùi vững chắc và tùy thuộc vào mỗi loại gùi, đế có thể bằng gỗ có độ cao khoảng 20cm, khoảng cách vuông từ 30 - 40cm hoặc làm bằng cật cây mây được uốn vuông góc cao chỉ 5cm, chủ yếu để giữ thăng bằng và chịu được lực nhưng cũng phải đảm bảo được độ nhẹ để dễ cho việc di chuyển. Trông thì rất đơn giản nhưng người nghệ nhân làm ra nó phải mất cả một thời gian dài, công việc đầu tiên là chọn vật liệu, vật liệu là mây hoặc tre già được ngâm nước trong một thời gian nhất định để tạo độ dẻo. Công đoạn tiếp theo là chẻ lạt, lạt cũng cần phải trơn nhẵn, đều đặn để có độ kín và tạo hoa văn trên thân gùi, công đoạn này rất quan trọng nó thể hiện tài năng khéo léo, óc thẩm mỹ và kinh nghiệm lâu năm của người đan. Những sợi lạt tạo hoa văn được để riêng, chúng được vót trước khi bắt tay vào làm gùi, loại lạt này tạo màu bằng cách sát lá rừng lên từng sợi, người BaNar gọi là lá Hla’tang, cây thuộc họ dây leo, lá tròn, có nhựa dính đem về giã nát rồi bôi lên những sợi lạt, sau đó đem đi ngâm dưới bùn khoảng 3 ngày sợi lạt sẽ có màu đen bóng rất đẹp. Đặc biệt nếu muốn tạo thêm màu khác chỉ cần quét chất liệu này lên và để trên gác bếp một thời gian sẽ thành ra màu nâu đậm, màu đậm nhạt tùy thuộc vào việc sát nhiều hay ít, thường thì họ không làm lạt màu này mà chỉ bôi mặt ngoài sau khi đã làm xong gùi, chiếc gùi được bôi lá Hla’tang sẽ có màu rất đặc trưng, lá này cũng được dùng trong việc làm đen bóng trái bầu nước của người dân bản địa. Tiếp theo là việc tạo dáng và phân loại cho gùi, có loại miệng được làm bành ra, phía dưới thon nhỏ lại, có gùi trên dưới đều nhau, gùi lớn (H’ká) gùi đựng cơm, thức ăn thì nhỏ hơn gọi là J’rung, mỗi chiếc gùi thể hiện rất nhiều ý nghĩa và tâm ý của người làm ra nó. Điều rất đặc biệt là gùi này có hai lớp, phía bên trong cũng được đan như lớp ngoài nhưng phải vót nan thật mỏng, nhỏ hơn nan bên ngoài và không có hoa văn, ở giữa được phủ một lớp lá rừng gọi là Hla’kơpang. Loại lá này rất dai có bản rộng, người Kinh thường hay dùng để gói cá, đã được đem về để trên giàn bếp từ rất lâu, lá được vuốt phẳng mịn và xếp đều đặn quanh thân gùi từ trên xuống dưới không để cho cong vênh, mục đích chính của lớp này là chống ẩm làm cho không khí ổn định bên trong tạo thành một sự ngăn cách với nhau rất độc đáo, hai lớp này ép sát gần như là một, mới nhìn vào khó có thể phát hiện ra. Công việc tiếp theo người nghệ nhân lựa chọn 4 cây mây hoặc tre thẳng đều rồi vót cho suôn mượt, lấy dây mây quấn kín từ trên xuống dưới ép vào bốn góc gùi rất chắc chắn, đầu trên nhỏ còn đầu dưới to ra có tác dụng giữ thăng bằng cho toàn bộ thân gùi. Phần đế được ghép 4 mảnh ván đẽo bằng tay, loại gỗ này mềm nhưng phải thật dai, vật liệu thường dùng là gỗ cây gạo, cây cóc rừng (C’holat) rất đặc biệt, nhìn vào nó như một hộp gỗ vuôn vắn tạo thành một giá đỡ rất bắt mắt và vững chãi cũng là để cách ly khỏi mặt đất tránh côn trùng xâm nhập. Xong phần đế người nghệ nhân bắt tay vào làm miệng và nắp gùi, việc này mang yếu tố quyết định để hoàn thiện một chiếc gùi, đầu tiên phải đan một tấm cao 10cm sau đó cuộn tròn vừa khít mặt trong của thân trên, ghép lại với nhau tạo thành một vòng nhỏ hơn thân gùi có tác dụng để úp nắp gùi lên. Việc làm nắp gùi đòi hỏi cũng phải tinh xảo như đan thân gùi vậy, họ để nguyên đoạn mắt của cây tre đã ngâm nước làm chóp nắp gùi, vừa thẩm mỹ, chắc chắn lại tiện cho việc cầm đóng mở nắp, đoạn còn lại dùng dao nhỏ vót nan thật đều sau đó đan kết lại tạo thành như hình chóp nón cho đến khi vừa bằng miệng gùi thì dùng dây mây quấn đều một vòng, từ đây đan tiếp theo chiều thẳng đứng xuống hơn 10cm nữa cho ôm khớp với miệng gùi, tiếp tục quấn thêm một đợt dây mây và kết thúc mặt ngoài của nắp gùi, bên trong nắp ép một lớp lá (Hla’kơpang) để giữ độ kín. Loại gùi có nắp hình chóp này chiếm đa số của người Xê Đăng, gùi người JẻTriêng nắp dẹp không có chóp, đoạn trên uốn lượn vào một chút, gùi BaNar thì cũng có chóp nhưng là chóp tròn, một số ít có chóp nhọn đan liền không dùng đoạn mắt tre...Cuối cùng là công đoạn làm dây gùi, việc này cũng quan trọng không kém, chúng dùng để đeo, cõng trên lưng mục đích là giải phóng đôi tay tiện cho việc di chuyển. Hai quai làm bằng dây mây, cũng có thể bện bằng vỏ cây rừng hoặc loại dây leo mọc trong rừng (sirấc), sống bám sát đất rất khỏe, có sợi dài trên 200m, (loại dây này người dân thường dùng làm hàng rào có độ dai rất tốt). Dây gùi được quấn chéo nhau quanh thân như người mẹ đang ôm đứa con vào lòng, phía dưới khoét lỗ hai bên tấm gỗ và luồn sợi dây qua tạo thành dây đỡ từ dưới lên rất chắc chắn, riêng gùi đựng những vật dụng nhẹ hơn thì hai sợi dây đeo được đan ghép với thân gần phía trên miệng gùi, hai đầu còn lại được buộc chặt vào đế, dây phải đảm bảo phần trên bè ra để không làm tổn thương bờ vai, đoạn dưới bện tròn lại thật chắc để có thể chịu được lực nặng. Những chiếc gùi đế hộp kiểu này có nhiều trong làng của người Xê đăng ở tỉnh Kon Tum cũng là nét rất đặc trưng của người Xê đăng, ngoài ra các dân tộc khác như Ê đê, Ba Na cũng có đế như vậy nhưng độ rộng và độ nghiêng khác hơn một chút, độ cao của thân gùi thấp và riêng kiểu dáng thì hoàn toàn khác biệt, loại đế bằng cật mây chiếm đa số trong cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên.
 Gùi dân tộc thiểu số Kon Tum rất đa dạng về mẫu mã và được dùng vào những công việc khác nhau, loại gùi một lớp cũng có trình tự đan như trên nhưng nắp và miệng gùi luôn có sự khác nhau, loại thường xuyên dùng như gùi đựng gạo ăn hàng ngày thì trên miệng được làm bằng gỗ mỏng uốn tròn gắn liền với thân gùi, nắp loại gùi này có hình dáng như cái mẹt sảy lúa vừa làm nắp đậy cũng vừa để đong gạo, đồng bào thường có thói quen lấy nắp ra suối vo gạo nên rất nhiều loại gùi này hiện nay không còn nắp vì bị hư hỏng. Rất nhiều kiểu khác như gùi cõng nước, gùi dùng để lấy măng rừng, gùi cõng lúa thì trên miệng lại không phải bằng gỗ mà chỉ đan bình thường như những gùi khác, riêng gùi cõng củi, loại này thì khá đơn giản, chỉ đan như đan lưới, các sợi mây, tre được bện vào nhau tạo thành từng ô khoảng cách các ô với nhau chừng 5 - 10cm, loại này được dùng rộng rãi và thường xuyên khi lao động. Ở tỉnh Kon Tum tập trung rất nhiều dân tộc khác nhau, những họa tiết và kiểu dáng gùi cũng có điểm khác biệt giống như trên vải thổ cẩm của họ. Gùi của người Xê Đăng thường có hoa văn gần như hình thoi dạng ca rô thường thì thông suốt từ trên xuống dưới. Gùi Ba Na có họa tiết chỉ là vài đường kẻ quanh thân gùi nhưng đặc biệt lại tập trung hoa văn trên nắp. Gùi người Dẻ Triêng đơn giản hơn có vài vòng đen chạy quanh thân khoảng cách xa nhau, đa số rất ít hoa văn phần lớn là chỉ treo trên giàn bếp cho thật đen. Gùi của người H’rê và Cadong thì gần như giống nhau, có nét họa tiết chạy ngang thân gùi nhưng cũng có ít hình ca rô như người Xê Đăng. Riêng gùi dân tộc Brâu thì hoa văn phong phú hơn cả, có sọc ngang xít nhau và rất nhiều họa tiết cầu kỳ phản ánh được cuộc sống, phong tục, bản sắc văn hóa của họ.
Lại nói về phân loại gùi trong cộng đồng người dân tộc thiểu số thì chiếc gùi có hình dạng trụ đứng còn gọi là gùi nữ (người sử dụng nhiều phần lớn là phụ nữ), xét về yếu tố tâm linh thì gùi nữ có hình dáng tròn như thân thể người con gái, khi gùi trong nhà đựng đầy thóc gạo chiếc gùi căng lên thể hiện sự no ấm giống như người con gái đã có chồng và sẽ sinh con, gia đình nào có nhiều gùi như khẳng định được sự đầy đủ và hạnh phúc của họ. Một loại gùi nữa dành riêng cho nam, gùi dạng hình cánh dơi, có hai quai như chiếc ba lô có tên gọi là K’lek, gùi này sử dụng trong việc đựng dao, nỏ, mũi tên và những dụng cụ khác khi lên rừng săn bắn. Kiểu dáng loại này dẹp, bè ra hai bên vuông vắn như bờ vai của người đàn ông, gùi chia thành 3 ngăn, một ngăn dài ở giữa và có 2 ngăn ngắn hơn nằm hai bên, phía trên hai ngăn nhỏ đan liền hai sợi dây nối với miệng của ngăn giữa dùng để đeo ôm sát vào lưng, giữa các ngăn và hai bên ngoài có gắn các cây gỗ hoặc mây đã được vuốt nhẵn và to ra ở phần dưới có tác dụng giữ cho gùi không cong gãy cũng như dùng làm đế đỡ cho toàn bộ chiếc gùi. Đáy gùi có gắn các cật của cây mây theo từng hàng song song với nhau rất chắc chắn nhằm giữ cho các ngăn luôn có độ rộng. K’lek thường có chiều cao từ 60 - 70cm, chiều ngang từ 40 - 55cm, độ rộng mỗi ngăn chỉ khoảng 10 - 15cm, tùy theo cơ thể của từng người mà đan có kích thước lớn nhỏ khác nhau. Vật liệu chính để đan Klek là mây và cây sâm lũ (loại cây họ mây nhưng dai hơn và có gai, người đồng bào thường dùng nó để làm dây nỏ (ná)), công việc đan Klek cũng rất công phu như đan gùi nữ, riêng loại gùi này có sự khác biệt rất lớn đó là một mặt phẳng nằm áp sát lưng, mặt kia lồi ra thành 3 ngăn rất rõ rệt. Nhìn qua gùi Klek ta có thể đoán được trình độ của người làm ra nó dựa vào những đường quấn thắt của dây mây xung quanh gùi và ở những thanh gỗ gắn liền vào thân, nếu là người ít kinh nghiệm thì những điểm quấn này rất thưa thớt, có những chiếc gùi đạt đến độ tinh xảo gần như tuyệt đối, ngay cả những nét quấn dây đều đặn đến từng milimet, hai bên như một, chúng ta không thấy được điểm cuối cũng như điểm nối của những sợi dây mây trên thân gùi, một số loại còn có thêm gùi nhỏ gắn vào phía sau Klek làm ngăn thứ tư trông rất đẹp mắt và tiện dụng. Loại gùi nữa cũng là gùi nam nhưng nhỏ hơn, chỉ có một ngăn, gọi là gùi Lep, chiều cao chỉ từ 50 - 60cm bề ngang 30 - 35cm, rộng 20 - 25cm, gùi này dùng để đựng các dụng cụ khi đi rừng hay bỏ thức ăn khi đi xa hoặc những đồ giá trị khác, gùi được đan vuông vắn, phần miệng nằm áp sát vào lưng người đeo, phía bên ngoài được đan kín tạo một mái che để bảo vệ cho đồ vật bên trong.
Nói về phong tục, tín ngưỡng văn hóa dân gian liên quan đến chiếc gùi thì phải kể đến những loại gùi chuyên dùng đi kèm với nhiều dụng cụ khác như cồng chiêng, bộ gõ bằng lồ ô, trống...để thờ cúng vào các dịp lễ hội. Loại gùi này gắn liền với thời gian, tên tuổi của một nhân vật cao quý trong làng, họ chỉ sử dụng duy nhất vào những dịp lễ mừng nhà rông, lễ ăn mừng lúa mới và các lễ hội quan trọng khác trong năm, điều đặc biệt là chỉ có già làng mới được lưu giữ và khi mất đi, công việc quản lý sẽ truyền lại cho người kế tiếp, phong tục này chỉ có ở làng người Xê Đăng. Còn một loại gùi nữa người nghệ nhân làm ra không dùng trong việc lao động hàng ngày mà làm để tặng người thân trong gia đình (gùi J’rung), đối với đồng bào dân tộc thiểu số tài sản của họ không có gì nhiều, họ không có gì ngoài việc quanh năm làm những dụng cụ lao động, nên khi có đứa con đầu lòng, đứa cháu cưng trong gia đình ra đời, họ muốn có một vật để tặng kỷ niệm vào những dịp như đầy tháng, lễ thổi lỗ tai (pleđom)..... gùi J'rung có hình thức nhỏ nhắn và chỉ đan bằng những vật dụng đẹp nhất, bền nhất và công việc làm cũng rất công phu, người nghệ nhân đã dồn cả tình cảm của mình vào  chiếc gùi và thời gian làm ra nó có khi mất cả năm trời, có thể nói chiếc gùi này cũng được ấp ủ 9 tháng 10 ngày như đứa trẻ. Chiếc gùi chỉ cao 40cm, đường kính miệng khoảng 18cm, dây đeo bè ra 3cm và chỉ có thể đựng được một chai nước khoáng (loại 1,5l). Loại gùi này đặc biệt ở chỗ vô cùng sắc sảo, mỗi chi tiết từ cách đan, cách quấn từng sợi mây cho đến việc làm dây đeo như chứa đựng cả một tình cảm bao la của người đan, mỗi sợi lạt nhỏ nhắn chỉ lớn hơn chiếc tăm xỉa răng một chút nhưng dài và được tẩm lá rừng, tạo màu đen rất cẩn thận, sau đó được hun khói cho đến khi bóng mịn. Ngoài việc làm quà ra, người nghệ nhân còn ẩn chứa một kỳ vọng rất lớn, quan niệm của họ là mong muốn thế hệ sau tiếp nối truyền thống, cần cù siêng năng như người đi trước, người nhận được món quà này sẽ được no ấm và chiếc gùi là vật luôn luôn bên cạnh bảo vệ họ chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
Một điểm rất chung của cộng đồng các dân tộc thiểu số là có thói quen hay để những vật dụng trên giàn bếp mỗi khi sử dụng xong, trong mỗi gia đình luôn có một bếp lửa đặt giữa nhà, phía trên có làm một cái giàn để đựng đồ vật, chiếc gùi khi đã hoàn thành họ hun khói cho thật khô, tác dụng khác là giữ không bị mối mọt, vì thế gùi có những cái tuổi thọ lên đến hàng trăm năm. Cho đến ngày nay người đồng bào dân tộc vẫn giữ được bản sắc văn hóa của mình, nghề đan lát luôn đi kèm với nông nghiệp, tuy số ít bị mai một đôi chút vì cuộc sống mưu sinh nhưng vẫn còn những gia đình giữ lại nét văn hóa này. Hiện nay Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch hàng năm vẫn thường xuyên tổ chức những hội thi tay nghề giỏi giữa các tộc người trong tỉnh, đặc biệt là cuộc thi đan gùi nhằm giữ lại nét văn hóa đặc trưng từng vùng và khuyến khích thế hệ trẻ tiếp nối nghề truyền thống này của cha anh.
Thế Phiệt

Bí quyết chế tác một bộ nỏ và làm mũi tên tẩm thuốc độc của người JẻTriêng

Từ ngày xưa người dân tộc thiểu số luôn sống tập trung và có thói quen săn bắt, hái lượm, người JẻTriêng ở Kon Tum cũng vậy, ngoài làm nương rẫy ra họ xem việc đi săn thú rừng là một hoạt động thiết yếu, dụng cụ bất ly thân chính là dao và nỏ, ở đây tôi chỉ nói đến bộ nỏ săn bắn (K’neng). Quan niệm cho rằng người đàn ông nào trong mỗi buôn làng không biết sử dụng nỏ thì coi như chưa trưởng thành, những người thợ săn tài ba nhất rất được kính trọng, tuy nhiên việc sử dụng nó rất khó chưa nói đến việc dùng để đi săn và làm ra được một chiếc nỏ nhỏ gọn nhưng có thể săn được thú lớn không phải đơn giản.
Trước tiên là công đoạn lên rừng tìm gỗ để chế tạo cánh nỏ (H’lạp), việc này đòi hỏi phải thật sự kiên nhẫn và tinh tường. Người đàn ông lên rừng chọn cho mình một cây gỗ thật già và chỉ sử dụng lõi, người JẻTriêng thường làm cánh nỏ bằng gỗ trắc, (người Xê đăng và các dân tộc khác làm bằng một loại cây gọi là cây K’Sam, cũng màu đỏ như gỗ trắc nhưng loại gỗ này dẻo hơn có độ đàn hồi rất tốt), sau đó họ lấy dao chuyên dụng đẽo thành một khúc cây đều nhau dài khoảng 50 - 90cm tùy theo độ lớn của từng chiếc nỏ cũng như sức khỏe của từng người. Dao làm nỏ thường có một bộ gồm 3 cái một cái lớn lưỡi dài chừng 50cm, cán dài 30cm dùng để đẽo cây, dao nhỏ hơn có cán bằng mây dài khoảng 40cm dùng trong việc làm ống đựng tên và dao nhỏ nhất lưỡi chỉ bằng ngón tay trỏ nhưng cán lại dài hơn 40cm làm bằng cây mây dùng để vót mũi tên và dây nỏ, loại dao này họ rèn bằng mảnh bom nhặt trên rừng nên thép rất cứng và được bảo quản cẩn thận trong vỏ gỗ. Làm ra được một cánh nỏ phải trải qua sự lựa chọn rất tỉ mỉ, thanh gỗ phải là đoạn giữa thân cây được gọt hai đầu đều nhau, sau đó lấy tâm điểm của cánh nỏ làm điểm chuẩn vót nhỏ dần ra hai bên, đoạn cuối gọt hai khấc nhỏ bằng đốt ngón tay dùng để móc dây nỏ, lúc này họ lấy một sợi dây cột ở giữa treo lên như chiếc cân dây rồi từ từ chỉnh cho đều nhau đến khi hai bên phải cân xứng nằm song song với mặt đất. Một việc nữa là tạo độ cong cho cánh nỏ, việc này rất quan trọng vì nếu cánh nỏ không đều mũi tên sẽ đi không chính xác, người ta tạo ra một cái khuôn bằng gỗ cũng chỉnh độ đều phải kỹ lưỡng như làm cánh nỏ, khuôn có độ dài từ 50 đến 1m, chiều rộng tính từ đoạn giữa là 20cm, một bên được gọt cong hình cung rất đều, có đánh dấu ở tâm, tùy theo sở thích của mỗi người kiểu dáng uốn lượn cũng khác nhau, một bên để thẳng và có đẽo 4 khấc ở hai đầu. Tiếp theo họ ghép cánh nỏ đã được gọt phẳng vào khuôn sao cho tâm cánh nỏ tương ứng với tâm của khuôn, hai bên cánh họ lấy 4 sợi dây rừng buộc ép vào khuôn mẫu cho đến khi cánh nỏ được ôm sát vào khung, mỗi ngày họ níu 4 sợi dây rừng vào một ít việc này phải mất hàng tháng trời cánh nỏ mới có độ cong theo ý muốn. Công đoạn tiếp theo họ bắt tay vào làm thân nỏ (H’loong - là cái báng có rãnh) có chiều dài trung bình 30 - 40 cm, mặt trên bè ra, phía dưới thu nhỏ lại và được chạm hoa văn hình chữ V, thân nỏ không cầu kỳ phải lựa chọn gỗ, thường thì họ dùng gỗ mềm dễ cho việc khoét lỗ để bỏ lẫy, nhưng đường rãnh đặt mũi tên bắt buộc phải có độ sâu và thẳng nhất định, phía cuối đường rãnh họ mài một thanh kim loại nhỏ bằng cái kim khâu nhưng ngắn khoảng 0,5cm gắn cố định để có thể giữ cho mũi tên không bị rơi ra, một số người chỉ bỏ sáp ong không dùng thanh kim loại, ở đoạn đầu họ khoét một lỗ làm sao cho bỏ lọt khít tâm của cánh nỏ, phía cuối gọt bè ra tạo điểm tựa cho tay cầm. Việc làm lẫy nỏ (Kh’nẹ)là yếu tố rất quan trọng không kém, nó không những phải tinh tế, cẩn thận mà còn thể hiện được bàn tay khéo léo của người làm nỏ, họ dùng dao đục một lỗ thông với 3 mặt của thân nỏ, tạo thành khe có một bên rộng hơn bên kia, tác dụng để nhét lẫy nỏ vào, sau đó lấy sáp ong trộn với tro gắn chặn phía ngoài giữ không cho lẫy bị rớt. Lẫy nỏ (Kh’nẹ)là một vật có hình chữ H dài 3cm, độ dày 0,3cm, đa số được làm bằng sừng hoặc xương động vật, một số thì làm bằng nhôm, có nơi làm bằng sắt nhưng lẫy nỏ của họ hình chữ J trông như cò súng, đặc biệt có những cây nỏ cổ của người dân tộc Jẻ triêng lẫy nỏ được làm bằng ngà voi. Công đoạn làm lẫy cũng cần phải tỉ mỉ vì nếu không đủ kích thước hay độ láng, dây nỏ sẽ bị hư hỏng nhanh và không giữ được đúng vị trí đã kéo căng, lẫy bỏ vào nỏ có một mặt sát đều với thân nỏ không được nhô lên quá và cũng không được thấp quá, một mặt nằm ngang phía dưới để có thể bóp cò khi bắn tên. Người có tay nghề cao thì dây nỏ bám rất chắc vào lẫy, có thể kéo dây gắn vào lẫy và tung lên không trung rồi bắt lại, dây nỏ vẫn nguyên vẹn trên lẫy nhưng chỉ cần lấy hai ngón tay kéo nhẹ cò, dây sẽ bật ra đưa mũi tên đi. Cuối cùng là việc làm dây (K’rem), chất liệu là một loại cây gọi là Samlũ (loại cây này cùng họ với mây nhưng dẻo hơn, thân cây có rất nhiều gai). Họ ngâm nước để tạo độ dẻo sau đó vót cho thật nhẵn, hai đầu chẻ ra làm như hình lưỡi rắn, sau đó cắt hai đọt cây chuối gắn ngập vào hai đầu này, để chừng một giờ đồng hồ cho nước đọt chuối ngấm vào, lúc này hai đầu rất dẻo và vặn như vặn lạt gói bánh chưng, làm tơi ra lúc này bện dây vào nhau như bện tóc đuôi sam, cột một đầu vào đuôi cánh nỏ lấy độ chuẩn, sau đó bện lại thành vòng tạo thành một móc tròn, đầu dây bên kia cũng làm như vậy nhưng bện thu vào cách chiều dài của cánh nỏ khoảng 1cm để khi tra dây vào dây có độ căng tuyệt đối. Công việc chế tác một chiếc nỏ để săn bắn của người JẻTriêng đòi hỏi rất nhiều thời gian và sức lực nhưng sử dụng và gìn nữ nó rất quan trọng không kém, một cây nỏ tốt khả năng bắn xa đến 500m. Để bảo quản, người JẻTriêng có thói quen sau khi bắn xong họ thường tháo dây ra để cánh nỏ luôn có một lực nhất định cũng là tạo cho dây nỏ không bị giãn, nơi cất giữ duy nhất là trên giàn bếp cũng có tác dụng tránh được mối mọt.
Để đi săn dài ngày, đồng bào JẻTriêng chuẩn bị rất nhiều mũi tên (Lạh), vì vậy việc làm hộp đựng tên (Dok) là rất cần thiết nhưng phải đảm bảo được độ kín giữ cho mũi tên luôn luôn thẳng và không bị mất. Hộp đựng tên thường làm bằng lồ ô già, người ta chọn một đoạn thân cây thật tròn và thẳng có 2 đầu mắt bịt kín, đường kính ống khoảng 10cm, chiều dài ống khoảng 50cm, họ cắt thành 2 khúc, khúc ngắn hơn dùng làm nắp đậy. Sau đó dùng dao gọt một đầu cho nhỏ tạo miệng ống, sau đó lấy một vật tự chế bằng kim loại có đầu nhọn bẻ vuông góc với thân cho vào phía trong ống làm nắp, gọt xung quanh làm sao khi úp vào nhau nắp và ống thật khớp. Công việc nữa rất quan trọng đó là phải gọt hết lớp vỏ lụa ngoài của thân cây lồ ô, việc này có tác dụng khi bỏ trên gác bếp, khói sẽ nhanh ngấm sâu vào thân, khi đã đạt được độ khô nhất định họ lấy dây mây rọ lại ống nắp theo kiểu tết sam, giữ cho ống không bị nứt. Đó là các bước để có một ống tên theo ý muốn, tuy nhiên ở đồng bào người JẻTriêng có một điểm đặc biệt quan trọng và đáng chú ý đó là ống đựng tên (Dok) thường có bọc một đoạn đuôi của một con vật được săn về, thường là đuôi Sơn dương hoặc nai, hoẵng. Con vật được cắt bỏ đoạn đuôi, lột lấy da và nhét phần ống tên vào, đoạn phía gần miệng ống được dùi những lỗ nhỏ xung quanh rồi lấy những đoạn tre dài 1cm có đầu nhọn chêm gắn liền da với ống lại với nhau như ta chêm mặt trống, phía cuối ống tên, dùng dây mây quấn túm lại giữ không cho da bị nhăn, sau đó đem đi hun khói, một thời gian sau da và ống gần như ôm khít vào nhau trông rất thẩm mỹ và chắc chắn. Ngoài ống họ có gắn thêm một ống lồ ô nhỏ bằng ngón tay, chiều dài bằng đoạn ống dưới, tác dụng bỏ mũi tên dự phòng trước khi bắn. Thường thì những ống tên có bọc da kiểu này họ chuyên để đựng những mũi tên tẩm thuốc độc (K’elẹ) để săn thú lớn.
Trong hoạt động dùng nỏ săn bắn của người dân tộc JẻTriêng, rất nhiều điều chúng ta luôn thắc mắc đó là tại sao chỉ cần một đoạn cây mây (samlũ) có thể trở thành một sợi dây nỏ vô cùng dẻo dai đến thế và tại sao họ không dùng những dây khác như bện dây dừa hay ruột mèo như những nơi khác thường làm,... Nói tóm lại là cũng từ kinh nghiệm, từ những dụng cụ thường có sẵn trong tự nhiên nơi họ đặt chân đến, họ có thể thay thế dây bất cứ lúc nào cần. Một điều ngạc nhiên hơn cả đó là tại sao một vật nhỏ bé như vậy lại có thể giết được một con thú lớn cả trăm kilogam, điều này là nhờ vào những mũi tên, đầu mũi tên được tẩm một thứ thuốc gọi là thuốc độc nhưng con người có thể ăn thịt thú mà không bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Trước tiên phải nói đến việc vót tên, mũi tên của người đi săn thường thẳng tắp, được lựa chọn từ những thân tre già nhất, vót thật nhẵn hình bầu dục, trên dưới thân phải tạo độ vát để có thể gắn khớp vào rãnh nỏ, mũi tên thường có độ dài bằng ½ cánh nỏ, đoạn cuối có gắn một đoạn lá cọ đã được xé đều khoảng 1cm xếp hình thoi tạo cho mũi tên không bị lệch hướng. Việc quan trọng nhất đó là đầu mũi tên, tùy thuộc vào từng chuyến đi săn, săn sóc, chuột có thể vót thông thường cho thật nhọn, đi săn thú lớn hơn một chút thì vót như kiểu đầu nhọn to dần để khi tên găm vào con vật bị vướng rất khó chạy, đặc biệt mũi tên sẽ không bị rơi ra. Để săn thú hung dữ hơn, bắt buộc phải có đầu tên tẩm thuốc độc, đầu mũi tên có thể bằng đá hoặc bằng sắt được mài nhọn hai bên có hai móc, ở giữa dài ra gắn vào thân mũi tên tre. Khi con vật trúng tên nhưng vẫn chạy được, thân và cánh mũi tên có thể rơi ra nhưng đầu mũi tên độc nằm sâu dưới lớp da, người thợ săn lần theo dấu vết đến khi con vật bị đầu tên thuốc độc làm tê liệt, vết thương bị phân hủy lúc đó con vật không còn sức để chạy, việc đi săn này thường phải mất rất nhiều thời gian của người JẻTriêng. Cuối cùng là chúng ta tự hỏi, vậy thuốc độc họ làm như thế nào và làm từ chất gì mà con người ăn thịt động vật trúng độc mà vẫn không có gì xảy ra?!. Có những điều vô cùng bình thường và gần gũi quanh ta nhưng chỉ có những người thợ săn chuyên nghiệp của núi rừng mới nhận thấy được. Thuốc để tẩm mũi tên thường làm bằng một loại lá (gọi là Lanauobor) và rất nhiều thứ khác, nhưng người đồng bào JẻTriêng lại có cách làm thuốc độc đơn giản hơn. Trong cuộc sống giữa con người với thiên nhiên, họ nhận thấy có những động vật tiết ra những chất độc rất nguy hiểm khi chúng cắn vào cơ thể người như rắn, rít, ong vò vẽ..v.v.. và họ chợt nghĩ sao ta không thử lấy chất độc từ con người như nước bọt chẳng hạn. Ta thấy rằng, người JẻTriêng họ làm thuốc độc tẩm vào mũi tên săn bắn của mình từ nước bọt con người. Cách tạo ra một lọ thuốc độc cho mũi tên là mỗi sáng thức dậy khi chưa giao tiếp với ai, họ nhổ một ít nước bọt vào lọ và cứ thế hàng tháng trời, mỗi buổi sáng một ít họ sẽ có một lọ nước rất độc mà không cần pha chế hay lấy từ bất cứ nơi nào về.
Còn rất nhiều điều để chúng ta phải tìm tòi nghiên cứu trong cuộc sống cũng như trong văn hóa tín ngưỡng dân gian của người JẻTriêng. Có một điểm rất đặc biệt đối với những người thợ săn JẻTriêng đó là mỗi lần bắt được một con thú bất kể nhỏ hay lớn, họ đều dùng máu và ít lông của con thú đó bôi lên cánh nỏ, nên có những cây nỏ cổ hiện nay vẫn còn một lớp trông như lớp nhựa trộn với lông thú bám chặt vào nỏ. Họ xem cây nỏ như một vị thần linh đi theo để bảo vệ và nuôi sống cả gia đình họ, nên khi săn được một con thú, được thưởng thức đầu tiên chính là chiếc nỏ, như thể hiện một sự tôn kính với bề trên của mình. Hàng năm, Sở VH-TT&DL Kon Tum thường tổ chức rất nhiều cuộc thi bắn nỏ được diễn ra trong toàn tỉnh, thường số điểm cao nhất vẫn nằm trong danh sách những chàng trai JẻTriêng.
Thế Phiệt

Vài nét Nhà rông Banar-Kon Tum với giá trị văn hóa.

Kon Tum là vùng đất có di sản văn hoá rất phong phú, ngoài những điểm du lịch độc đáo ra còn có những mái nhà Rông mang màu sắc huyển bí nằm hài hoà với từng bản làng mang đậm nét hoang sơ giữa đại ngàn Trường sơn hùng vĩ. Ở đây chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những nhà rông đã hiện hữu gần 100 năm tuổi, trải qua bao mưa nắng và sự khốc liệt của chiến tranh, mái nhà rông của người đồng bào thiểu số luôn là biểu tượng cho ý chí, niềm tin và sức mạnh trong cộng đồng các dân tộc Tây nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng. Đối với tộc người Banar, nhà Rông là sản phẩm văn hoá vô giá, là biểu tượng niềm tự hào của họ. Kon Tum được coi là quê hương của nhà Rông vì ở đó hội tụ sức mạnh cộng đồng, tín ngưỡng và nghệ thuật dân gian.
Trở về quá khứ, theo phong tục cổ truyền của dân tộc Banar, lúc bắt đầu xây dựng, già làng thông báo quyết định làm nhà rông cho tất cả thành viên trong làng được biết trước một năm để tập trung dân làng và chuẩn bị vật liệu, sau đó làm lễ cúng Yàng như để xin phép cho làng thực hiện. Lễ cúng Yàng bắt buộc phải có máu của ba con vật để hiến tế đó là heo, gà, dê và được bỏ vào ống lồ ô để cúng tế, mục đích của công việc này có ý nghĩa rất linh thiêng: Máu dê để trừ tà, máu heo thể hiện cho sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, còn máu gà thể hiện cho sự thành công trong mọi việc xây dựng, nói chung tất cả đều muốn đem lại sự bình yên cho buôn làng. Trong quá trình tổ chức xây dựng nhà Rông của làng được thực hiện theo tinh thần dân chủ, tự nguyện, không khiên cưỡng, áp đặt nhưng bắt buộc mọi thành viên trong làng phải đóng góp bằng nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng hộ trong làng, người khá hơn thì đóng góp của, người không có thì góp công trong mọi việc của già làng đưa ra, và dĩ nhiên già làng phải là người có uy tín, có trí nhớ tốt và phải am hiểu về nhà rông của dân tộc mình.
Công việc đầu tiên đó là chọn địa điểm (thường là trung tâm của làng), già làng đảm nhận việc “nghiên cứu mẫu” và đưa ra quyết định cuối cùng, già làng cũng là người trực tiếp giám sát, chỉ huy dân làng để đảm bảo hiệu quả thẩm mĩ theo kiến trúc truyền thống, phân công trách nhiệm cho từng hộ dân đóng góp công sức, tìm vật liệu và tiền của. Thanh niên trai tráng khỏe mạnh lo việc cắt, vận chuyển gỗ, chọn những cây gỗ cứng và có khả năng không bị mối mọt (thường là gỗ càchit), những thanh niên này được chia ra thành nhóm, phân công tìm tre nứa, song mây... Những người già hơn phụ trách từng mảng riêng như đục đẽo kết cấu, tạo thẩm mĩ,.. những người này thường phải có kinh nghiệm trong việc xây dựng nhà. Một việc bắt buộc đó là mỗi gia đình trong làng phải đóng góp đủ 01 bó tranh lớn ngay cả hộ của già làng cũng không ngoại lệ, việc này thường giao cho những người phụ nữ đảm nhiệm. Khi vật liệu đã đầy đủ dân làng bắt tay vào việc xây dựng từ lúc mặt trời mọc, nhà rông có thể làm ròng rã nhiều tháng nhưng 8 trụ lớn chính phải được hoàn tất trong ngày đầu, điều này thể hiện sự thành công may mắn cho công đoạn tiếp theo. Sau đó là việc làm khung, lên đòn tay, dàn giáo, rui, mè, lợp tranh, hầu hết là được buộc bằng dây mây rất vững chắc... mọi công việc phải trôi chảy và thông suốt do những bàn tay vạm vỡ của trai tráng và sự điều hành sáng suốt, tài giỏi của già làng. Thông thường một nhà rông truyền thống (cụ thể là rông làng Kon gung-xã Đắk Ma-Huyện Đắk Hà) thường mất trên 1.175 cây gỗ các loại, chu vi từ 89cm đến 110cm, cây dàn dọc dài từ 10 - 12m và đường kính từ 10 - 15cm, sử dụng hơn 1.120 sợi dây mây, 1.554 tấm tranh (theo số liệu trong cuốn “nhà rông Bắc Tây Nguyên năm 1999”), tùy thuộc vào điều kiện và nhân lực của mỗi làng có thể hoàn thành từ 5 - 8 tháng ròng. Điều rất đặc trưng của người dân Banar trong xây dựng nhà rông là họ luôn làm việc tập thể, công việc hết thảy phải chia đều dưới sự sắp xếp của già làng, tuy nhiên công việc lao động sản xuất của gia đình vẫn phải đảm bảo không bị ảnh hưởng, họ tập trung làm hai ngày thì một ngày nghỉ để lo việc nương rẫy. Lễ mừng nhà rông mới được tổ chức trong 3 ngày liền sau khi dựng xong, dân làng xem như là ngày hội lớn mà tất cả những thành viên làm ăn nơi khác cũng phải về dự để tận hưởng niềm vui của cộng đồng của mình, họ làm cây nêu tổ chức lễ đâm trâu, uống rượu cần, nhảy múa và tấu cồng chiêng để ăn mừng trong niềm vui khôn tả.
Hiện nay, tỉnh Kon Tum tổng cộng có 625 làng đồng bào các dân tộc thiểu số đủ các nhóm khác nhau và có trên 505 mái nhà rông lớn nhỏ, dân tộc Banar ở Kon Tum có khoảng 43 nhà và kiểu dáng cũng khá riêng biệt, gồm các nhóm: Banar B’nâm (khu vực huyện Kon Plong) nhà rông có chiều ngang tương đối rộng, góc nhọn ở hai mái xiên dài tạo cảm giác hơi nặng nề, làm giảm đi thế vươn lên của nó. Nhà người Banar jơlơng (phía Đông TP Kon Tum) trên mái hai cạnh xiên ở đầu hồi lại là đường thẳng cho nên mất đi vẻ hiên ngang, Nhà rông Banar Rơngao (nằm quanh khu vực sông Đắk Bla) lại khác, đặc biệt nhóm dân tộc này có mái nhà rông hoành tráng hơn cả, thiết kế mái cao (rôông tơ-jung) độc đáo và rất đồ sộ, khung được kết cấu theo kỹ thuật rường-cột, chúng được liên kết 3 chiều giữa hàng cột đứng với xà ngang và xà dọc, không có liên kết kèo ở ngay đầu cột..Trong số nhà rông Banar rơngao lâu đời ở Kon Tum, hiện nhà rông làng Konrobang (xã Vinh Quang - TP Kon Tum) thuộc diện cổ nhất tại Tây Nguyên, được xây dựng năm 1930, tuy nhiên cũng đã phải trải qua 6 lần tu sửa vì bị xuống cấp theo thời gian, năm 2003 ngôi nhà rông này được “nhân bản” dựng lại trong khuôn viên Bảo tàng dân tộc học Hà Nội do 29 nghệ nhân của làng trực tiếp tiến hành, nhà có chiều cao 19m, sàn nhà gần 3m với 8 cây cột gỗ có đường kính 60cm và những cây xà dài 14-15m gần như kích thước của nhà rông mẫu, đó là niềm tự hào của người Kon Tum nói chung và người Banar nói riêng.
Trải qua gần 100 năm với bao cuộc chiến khốc liệt và những biến cố của xã hội, nhà rông Banar-Kon Tum luôn là biểu tượng đẹp về sự trường tồn của cộng đồng buôn làng vì ở đó tập hợp một bộ máy quản lý, là nơi đào tạo và giáo dục thế hệ kế thừa của dân làng đặc biệt là nơi phát huy truyền thống và tôn giáo tín ngưỡng dân gian của người dân bản địa.
Thế Phiệt

GIÀ LÀNG VÀ TỤC PHẠT VẠ CỦA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

Trong đời sống của các dân tộc thiểu số trước kia ở tỉnh Kon Tum, hình ảnh già làng luôn là biểu tượng của sự công bằng, sự hiểu biết sâu rộng và là người có quyền lực nhất, già làng cũng là người phán xét mà dân làng phải phục tùng một cách tuyệt đối. Vào các lễ hội cũng như luật tục trong cộng đồng, già làng luôn luôn là nơi để dân làng tìm đến bày tỏ khúc mắc, những sai phạm đã mắc phải để được giải quyết. Theo tục lệ từ ngày xưa, mỗi buôn làng đều có qui ước riêng và già làng đảm nhiệm việc phân xử, là người tiếp thu truyền lại lời nói của thần linh (Yang). Phong tục phạt vạ của người dân tộc thiểu số cũng nằm trong qui định đó.
Có rất nhiều hình thức mà già làng đưa ra khi xử lý một vụ việc, sự phán xét của già làng là tối thượng, ngay cả cha mẹ người bị phạt cũng phải tuân thủ. Mỗi dân tộc bản địa đều có các cách xử phạt riêng biệt đối với người nào vi phạm, họ cho rằng làng nào xảy ra chuyện xấu mà chưa làm lễ phạt thì thần linh sẽ trừng phạt, làm rẫy sẽ bị mất mùa, buôn làng sẽ bị bệnh tật, đói rét quanh năm, có làng (dân tộc Bahnar) họ không dám đi làm vào tháng 3, tháng 4 vì đây là tháng mà được cho là thần linh nhìn thấy rõ nhất. Họ duy trì niềm tin gần như tuyệt đối vào Yang và trong nhiều vụ kiện phức tạp, theo phong tục tập quán của đồng bào, kết quả phân xử thắng - bại chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố may rủi do Già làng phán xét và theo họ đó chính là ý Yang.
Quan hệ hôn nhân của các dân tộc bản địa ở Kon Tum hầu như được xác lập vững chắc bởi chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Trường hợp vợ chồng mà ly hôn thì theo lệ của làng bị phạt rất nặng, chẳng hạn như dân tộc Xê - Đăng cư trú tại huyện Ngọc Hồi nếu khi vợ chồng ly hôn thì cả 2 người đều bị phạt và nếu người chồng mà bỏ vợ dẫn đến vợ chồng ly hôn thì sau 6 năm người chồng đó mới được lấy vợ khác hoặc khi vợ hoặc chồng có người chết trước thì người còn lại sau 3 năm mới được kết hôn. Nếu vi phạm các quy định này cũng bị phạt. Hầu hết các dân tộc thiểu số ở Kon Tum đều nghiêm cấm người đã có vợ, có chồng ngoại tình. Ai vi phạm vào điều cấm này sẽ bị phạt vạ, tuỳ từng dân tộc mà mức phạt vạ là khác nhau, ví dụ như phạt heo và rượu để cả làng cùng uống… Luật tục trong hôn nhân nghiêm cấm những người trong cùng dòng họ lấy nhau, đặc biệt đối với người JẻTriêng đây là điều cấm kỵ, một vài dân tộc khác thì phải cách nhau vài thế hệ, chẳng hạn như với người Xê-Đăng là 3 đời… Để tiến đến hôn nhân, cả nam và nữ đều có quyền tự do tìm hiểu lẫn nhau.
Trong cuộc sống hằng ngày mỗi người trong gia đình đều lấy luật tục làm chỉ dẫn cho hành động của mình, mọi người căn cứ vào luật tục để giám sát lẫn nhau. Thành viên nào vi phạm luật tục gây mất trật tự buôn làng thì đều bị chính luật tục trừng trị mà Già làng là người trực tiếp phán xét chứ không phải cha mẹ. Người Xê-Đăng ở một số nơi có hình thức phạt gà, heo và rượu cho làng uống đối với 2 người có hành vi đánh lộn gây mất trật tự buôn làng hoặc phạt bồi thường 2 con gà… Bên cạnh đó, các thành viên của buôn làng đều được quyền bình đẳng như nhau trên cơ sở tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau. Nếu người nào vi phạm những điều cấm trên thì tuỳ theo tính chất, hoàn cảnh kinh tế giàu nghèo sẽ bị phạt: trâu, bò, heo, gà và rượu để cúng Thần (Yàng) xin tha tội. Luật tục xử phạt là qui định có thể hạn chế được những tệ nạn như ngoại tình, tội xúc phạm người già, tội xúc phạm người đứng đầu làng, tội cố ý làm lây bệnh trong buôn làng, tội lười biếng, tội giết gia súc của người kháccá biệt có những trường hợp tội nặng bị đuổi khỏi làng, những luật tục như vậy mang tính chất răn đe, đủ làm người muốn phạm tội phải chùn bước.
Trong phong tục của người Bahnar trước đây, nếu chồng bỏ vợ hoặc ngược lại thì bị phạt trâu bò, ruộng đất, thấp nhất là từ 3-4 con trâu và 5 sào đất để đền bù cho người bị bỏ rơi. Với người chửa hoang thì bị làng phạt rất nặng, bởi người Bahnar quan niệm, khi người con gái đã chửa hoang rồi, thì sau này người ta sẽ không lấy được chồng, nên người bị phạt là người gây ra "hậu quả" của cái thai đó. Khi người đàn ông đã quan hệ với người con gái thì bắt buộc người đó phải cưới làm vợ, tuy nhiên nếu lỡ có con trước (tội pơ-t’ra chan) thì phải tiến hành lễ cúng thần trước khi trỉa lúa, vào khoảng đầu tháng 4, Già làng bắt người con trai phải có lễ vật là một con dê và người con gái phải chịu một con heo (tùy điều kiện có thể heo lớn, nhỏ). Người dân quan niệm các trường hợp vi phạm này đã làm ảnh hưởng đến thần đất, thần lúa nên buộc phải tiến hành lễ cúng phạt trước khi trỉa lúa nếu không dân làng sẽ mất mùa, đói kém. Vào ngày tổ chức nghi lễ, những con lợn, con dê lễ vật được giết thịt lấy máu trộn với nhau, đôi trai gái phạm tội phải lần lượt mang thứ máu trộn đó bôi vào ngón chân cái của từng người tham gia trong buổi lễ, vừa bôi vừa xin lỗi mọi người xin đừng nhớ, xin bỏ qua chuyện xấu, cũng là lời nhắn nhủ mỗi gia đình cần dạy dỗ con em mình và đặc biệt là hình thức răn đe những người trẻ luôn nhớ lấy để không được theo bước chân ấy.
          Một tội khác (người Bahnar) mà bị phạt rất nặng đó là tội người cùng một dòng họ lấy nhau được cho là trái với đạo đức, khiến thần linh nổi giận gây ra các tai họa để trừng phạt con người như cháy làng, dịch bệnh, mất mùa... Dòng họ nào để xảy ra chuyện đó sẽ phải chuẩn bị đủ 3 con trâu, 3 con dê, 3 con gà và 3 ché rượu để cúng thần nhà Rông, thần nước để giải hạn cho dân làng và chính hai gia đình đó. Nghi thức quan trọng nhất trong lễ cúng là Già làng đọc lời cúng mời Yàng về ăn uống và dân làng buộc đôi trai gái bị phạt lấy một ít tiết của con vật hiến sinh hòa với rượu, đổ vào vỏ bầu mang đến từng nhà trong làng, dùng cành cây tre nhúng vào quả bầu đựng nước rồi quết lên chân cầu thang với ngụ ý xua đuổi, tẩy uế mọi rủi ro tai họa, mong Yàng đừng bắt tội dân làng... Trước kia, những trường hợp mắc tội loạn luân như thế này người vi phạm sau khi làm lễ cúng tạ tội còn bị lột trần truồng và bị buộc phải ăn thức ăn trong máng heo với sự chứng kiến của dân làng. Một tội được cho là hủ tục lạc hậu xưa là khi người chồng chết chưa rõ lý do, dân làng phạt người vợ bò, heo, dê, rượu để cúng thần linh xua đuổi cái xấu làm hại buôn làng.
Các dân tộc thiểu số của Tây Nguyên nói chung và ở tỉnh Kon Tum nói riêng, có một tội vô cùng xấu hổ đó là tội trộm cắp, trong mọi hoàn cảnh đều bị dân làng ghẻ lạnh, coi thường, tuỳ theo mức độ mà người ăn cắp vật dụng gì, nếu ăn cắp một bắp ngô, thì phải đền 10 bắp ngô, ăn cắp vật dụng trong lao động sản xuất, trong gia đình... làng phạt gấp từ 7-10 lần. Trong ngôn ngữ của người dân tộc thiểu số họ không có từ “mua” và “bán”, chỉ có “lấy” của người này “chia” cho người kia hoặc “trao đổi” lẫn nhau, thể hiện sự đoàn kết, anh em rất khắng khít, bởi vậy khi lấy một vật gì mà không được sự cho phép của chủ thì đó cũng là một tội. Trong cộng đồng làng, tuy rằng họ sống bình đẳng nhưng vẫn phải tôn trọng lẫn nhau, và người tự ý lấy đồ vật của người khác thì dân làng coi đó như một sự xúc phạm, tội này cha mẹ phải gánh chịu. Tùy theo mức độ, cha mẹ đích thân đến gia đình bị mất cắp, mời Già làng phân xử cùng một số người thân trong dòng họ chứng kiến. Thường trong buổi lễ bắt buộc phải có con gà và ché rượu cần do cha mẹ người có lỗi cung cấp, Già làng yêu cầu người có tội tự nhận lỗi, mong được tha thứ và hứa lần sau không được tái phạm, sau đó đến cha mẹ cũng phải xin lỗi gia đình đó, khi người “bị hại” chấp nhận tha thứ thì lúc đó hai gia đình cùng bắt tay nhau, bỏ qua chuyện cũ. Người mắc lỗi châm nước vào ghè rượu mời già làng uống trước, sau đó mời người đã tha thứ cho mình và lần lượt từ đầu đến cuối người phạm lỗi phải phục vụ cho hết buổi lễ.
Những tập tục trong cộng đồng người dân tộc thiểu số luôn gắn với tín ngưỡng tâm linh, có thể có rất nhiều hình thức, nhưng chung qui lại là muốn đem đến điều tốt đẹp cho dân làng, muốn cho mùa màng được xanh tươi, cuộc sống của họ lúc nào cũng được thần linh che chở. Tục phạt vạ là “luật pháp” do chính họ tạo ra, được truyền từ đời này sang đời khác để đảm bảo bình yên cho buôn làng, qui ước là sức mạnh của làng mà Già làng chính là linh hồn truyền tải, áp dụng sức mạnh đó.

Thế Phiệt (tổng hợp)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét